Baic Q7 - Từng bước được người Việt tin dùng
Đầu thập niên 2000, những chiếc xe máy Trung Quốc (mà nhiều người vẫn quen gọi là xe “Tàu”) bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Hai thương hiệu nổi tiếng nhất và có vai trò mở đường là Loncin và Lifan. Khi mới xuất hiện trên thị trường, những chiếc xe máy mang thương hiệu Loncin với kiểu dáng nhang nhác (thực tế là nhái gần như hoàn toàn) những chiếc Wave hay Dream của Honda gây xáo động thị trường xe máy Việt Nam. Những chiếc xe này có giá bán khoảng 12-14 triệu đồng. Tiếp bước ngay sau đó là Lifan, những chiếc xe này thậm chí còn có giá bán thấp hơn, chỉ nhỉnh trên mức 10 triệu đồng chút ít. Một cuộc đua giá ngược đã nổ ra – đã có lúc chỉ cần 5 triệu là bạn đã mua được 1 chiếc xe máy “Tàu” mới cáu cạnh.
Nếu so với hiện nay, mức giá này không phải là thấp. Nhưng tại thời điểm cuối thập niên 90, đầu những năm 2000, khi mà giá bán của những chiếc xe Honda, Suzuki hay Yamaha đều phổ biến từ 20 - 30 triệu đồng, khi mà thu nhập bình quân đầu người chỉ vào khoảng 405 USD năm 2001, vài mẫu xe còn ở mức giá cao hơn, thực sự những chiếc xe “Tàu” thực sự đã tạo nên một cú sốc trên thị trường xe máy Việt Nam lúc bấy giờ bởi mức giá rẻ đến giật mình. Tất nhiên, chẳng ai dám vỗ ngực bảo rằng xe Trung Quốc tốt như xe Nhật, nhưng ta không thể phủ nhận vai trò của chúng trong việc đưa những chiếc xe gắn máy đến gần tầm với của nhiều người dân hơn. Khi mà những chiếc xe thần thánh của Honda còn đang bán với giá tính bằng cây vàng thì xe Tàu giá rẻ dường như là lựa chọn duy nhất cho những người không dư giả tiền bạc.
Tôi đã từng vô cùng ghét đồ Trung Quốc. Thời còn bé, tôi được dạy rằng nên tránh xa những gì có mác Trung Quốc. Hai từ “Trung Quốc” trong mắt thằng bé tôi lúc đó đồng nghĩa với xấu xa, độc ác, bẩn thỉu, là mọi tính từ tiêu cực tôi có thể nghĩ ra. Thế nhưng, càng lớn dần, càng trưởng thành, tôi càng đỡ ghét 2 chữ Trung Quốc. Thay vào đó, tôi sợ. Tôi vừa sợ vừa nể phục, vừa choáng ngợp trước họ vì nhận thấy tiềm lực quốc gia của họ quá lớn và quan trọng hơn, họ biết tận dụng điều đó. Đáng sợ hơn nữa: một số người Việt Nam hiện nay vẫn đang ghét Trung Quốc 1 cách mù quáng và không chịu thừa nhận rằng hiện nay, Trung Quốc thực sự là một cường quốc tầm cỡ thế giới.
Trong khi Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu thép để sản xuất ô tô thì Trung Quốc vẫn đang là nước sản xuất và tiêu thụ thép số 1 thế giới. Trong năm 2017, Trung Quốc sản xuất 831 triệu tấn thép, bỏ xa 4 nước khác trong top 5 quốc gia sản xuất thép nhiều nhất thế giới (Mỹ 116 tấn; Nhật Bản: 104,7 tấn; Ấn Độ 101,4 tấn; Nga 71,3 tấn). Có thể thấy, sản lượng thép là một trong những kim chỉ nang cho thấy sức mạnh công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc.
Nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc
Tôi sẽ tiếp tục phân tích quá trình chuyển mình của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc để chúng ta cùng thấy được quy mô khủng khiếp của nó, và hiểu xem tại sao những hãng xe Trung Quốc có thể chuyển mình từ việc chỉ copy trắng trợn sang làm chủ công nghệ và nuốt gọn các hãng xe châu Âu. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, đúng không?
Ngày mùng 5 tháng 8 năm 1983, BAIC Motor và hãng xe American Motors Corporation đã ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác ở Thiên An Môn nhằm cho phép hãng xe Mỹ lắp ráp và phân phối xe Jeep Cherokee tại Trung Quốc. Đây là cột mốc khởi đầu cho sự bùng nổ của ngành công nghiệp lắp ráp xe hơi tại thị trường tỷ dân này.
Sự kiện trên đánh dấu việc chính phủ Trung Quốc đã lần đầu tiên mở cửa với các liên doanh lắp ráp xe hơi nước ngoài. Chỉ sau 1 năm, Volkswagen chính thức thi công nhà máy lắp ráp xe hơi lớn nhất của họ đặt tại Thượng Hải với diện tích khuôn viên lên tới 333 hecta. Trong vòng 1 thập kỷ tiếp theo, 20 thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới đã có nhà máy tại Trung Quốc, kéo theo sự phát triển như vũ bão của hàng loạt nhà máy công nghiệp phụ trợ.
Việc mở cửa thị trường ô tô là một nước cờ đầy táo bạo của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy công nghiệp sản xuất ô tô trong nước. Chiến lược cơ bản nhất của chính phủ Trung Quốc là: áp đặt việc hợp tác bắt buộc giữa các hãng xe nước ngoài và hãng xe Trung Quốc với tỷ lệ góp vốn không quá 50:50. Thêm vào đó, các hãng ngoại bắt buộc phải dần chuyển giao công nghệ cho hãng trong nước, đổi lại, họ được quyền lắp ráp, nhập khẩu và phân phối các mẫu xe của mình vào thị trường 1,4 tỷ dân này. Như đã nêu ở trên, hàng loạt ông trùm trong ngành xe hơi “hớn hở” kéo thiết bị, nhân lực đến thị trường Trung Quốc và tạo ra mức tăng trưởng 2 con số trong hơn 1 thập kỷ vừa qua cho nền công nghiệp sản xuất xe hơi nơi đây.
Năm 2009, khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ Mỹ vẫn đang hoành hành dữ dội, Trung Quốc chính thức vượt Mỹ và trở thành nước sản xuất ô tô nhiều nhất thế giới, qua đó trở thành thị trường ô tô giá trị nhất thế giới, vị trí mà họ vẫn còn nắm giữ cho đến ngày nay.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã có 24,2 triệu chiếc xe được sản xuất và bán ra tại thị trường Trung Quốc, 60% trong số đó là những mẫu xe đến từ các thương hiệu châu Âu và Nhật Bản. Có thể thấy, sự hợp tác với các hãng xe nước ngoài quả là một nước cờ có lợi đôi bên: Trung Quốc được phát triển nền công nghiệp xe hơi của họ lên vị trí số một thế giới, các hãng xe thì có những con số tăng trưởng doanh số đẹp như mơ.
BAIC Group là cái gì?
BAIC Group (Beijing Automotive Industry Holding Co., Ltd) là một tập đoàn nhà nước của Trung Quốc hoạt động trong ngành công nghiệp xe hơi. Tập đoàn BAIC Group sở hữu rất nhiều công ty con, bao gồm BAIC Motor (sở hữu 44,98 % vốn điều lệ); Beijing Benz (51% vốn); Beijing Hyundai (50%) v.v.. Liên doanh với Hyundai và Mercedes-Benz đã mang lại những thành công to lớn, trong khi “gà nhà” BAIC Motor cũng dần lớn mạnh từng ngày.
Sau rất nhiều nỗ lực thâu tóm các hãng xe châu Âu đang bên bờ vực phá sản như SAAB, Volvo và Opel, cuối cùng thì BAIC Motor đã thành công. Cụ thể, năm 2009, BAIC Motor đã giành được quyền mua hàng loạt bằng sở hữu trí tuệ từ SAAB Automobile – dù General Motors ban đầu nhất quyết không chịu bán. Đó là quyền sử dụng 3 nền tảng xe SAAB, những công nghệ liên quan đến 2 mẫu SAAB 9-3 và SAAB 9-5, 2 công nghệ chủ chốt về động cơ và 2 công nghệ liên quan đến hộp số. Với chừng đó công nghệ, BAIC Motors đã sản xuất một vài mẫu xe dưới tên BAIC, và một vài mẫu khác với nhãn hiệu Changhe. Một trong số đó là chiếc BAIC (Changhe) Q7 trong bài đánh giá ngày hôm nay. Xe đang được nhập khẩu và phân phối bởi 1 đại lý tư nhân ở Hà Nội với giá niêm yết 658 triệu (tặng 100% phí trước bạ). Để tránh gây khó hiểu, tôi sẽ gọi chiếc xe này là BAIC Q7 để các bạn tiện theo dõi.
Tại sao tôi phải quan tâm đến BAIC Q7?
Tôi muốn nhắc lại giá bán của BAIC Q7 ở Việt Nam: 658 triệu (tặng phí trước bạ). Như vậy, nếu cộng tiền ra biển Hà Nội (20 triệu), phí bảo hiểm vật chất (tạm tích mức 1,5% - 9,87 triệu, những ví dụ phía dưới cũng tính mức 1,65%), phí đường bộ (1,56 triệu), phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự (480 nghìn đồng), phí kiểm định (340 nghìn đồng), ta có giá lăn bánh của BAIC Q7 là 690 triệu 250 nghìn VND.
Đây có thể gọi là mức giá khá hấp dẫn đối với người Việt. 690 triệu – bạn có thể mua và lăn bánh những chiếc xe bình dân nào tại Hà Nội? Giá lăn bánh của Ford EcoSport Ambiente 1.5L MT, phiên bản số sàn “không thể tiêu chuẩn hơn”: 641 triệu – nếu muốn mua và đăng ký bản Titanium 1.0L AT, bạn cần bỏ ra 805 triệu đồng. Với Hyundai Kona: giá lăn bánh bản thấp nhất – 721 triệu, bản cao nhất – 846 triệu đồng. Honda HR-V: bản thấp nhất – 915 triệu, bản cao nhất – 1,01 tỷ! Toyota Rush? 785 triệu đồng.
Trên thực tế, các kích thước bên ngoài và không gian nội thất của BAIC Q7 là tương đương, thậm chí trội hơn 1 chút so với Honda CR-V, Hyundai Tucson, những mẫu CUV thuộc cỡ C. Nếu so sánh với những đối thủ cùng kích cỡ này thì sự cách biệt về giá lăn bánh giữa BAIC Q7 và CR-V có thể lên tới … nửa tỷ đồng! (Cụ thể: giá lăn bánh bản cao nhất của CR-V là 1,235 tỷ đồng - 690 triệu = 545 triệu). OK, tôi đã có được sự chú ý của các bạn chưa?
Tất nhiên, tôi chẳng dại mà so sánh trực tiếp BAIC Q7 và Honda CR-V để rồi hứng chịu hàng tấn gạch từ fan xe Nhật. Vì vậy, câu hỏi xuyên suốt bài đánh giá này sẽ là: cầm trong tay 700 triệu, có nên mua BAIC Q7 không, hay bạn sẽ chọn cách an toàn mà 96,69% người Việt sẽ làm: mua hatchback/sedan cỡ B, hoặc vay mượn để mua Ford EcoSport bản “full option” hay Hyundai Kona? Tôi cũng sẽ so sánh BAIC Q7 với Zotye Z8, một mẫu xe Trung Quốc khác cũng được quan tâm khá nhiều. Nào, hãy xem BAIC Q7 “có gì hot”!
Thiết kế ngoại thất và nội thất - có học hỏi, có tự sáng tạo
Nếu nhìn lướt qua BAIC Q7, nhiều người sẽ nghĩ đây là 1 chiếc Range Rover. Quả thực như vậy, tôi cũng thấy Q7 có học hỏi những nét thiết kế đặc trưng của Range Rover. Nhìn trực diện, chi tiết gợi nhớ đến Range Rover nhất là mặt ca lăng hình thang ngược với các thanh mạ crôm nằm ngang. Cho dù có nói như thế nào đi nữa thì đây vẫn là chi tiết đậm chất Range Rover trong mắt tôi, dù BAIC đã cải biên các mắt lưới để không giống hoàn toàn.
Nhìn bên hông, chiếc xe cũng “toát” lên vẻ Range Rover với thiết kế nắp capô gập khúc kiểu “clam shell” – cũng là 1 chi tiết đậm đặc Land Rover. Kiểu dáng tổng thể của BAIC Q7 cũng na ná Range Rover Evoque, và kiểu làm đen toàn bộ cột A B C D tạo hiệu ứng thị giác “floating roof” thì cũng bắt nguồn từ Range Rover. Nhìn về phía đuôi, tôi thấy cụm hậu dạng LED có thanh kết nối 2 cụm đèn khá giống Kia Sportage và thanh nối ở giữa không có đèn mà chỉ là 1 dải nhựa đỏ cũng giống như Sportage.
Bạn biết đấy, một khi có thiết kế nào đó được coi là chuẩn mực thì không tránh khỏi những thứ ra đời sau sẽ có chút gì đó học hỏi từ chuẩn mực đó. Ford cũng “học hỏi” tình cũ Range Rover với chiếc Explorer, rồi mặt ca lăng của Focus hay Fieta cũng na ná Aston Martin, đúng không?
Bạn có cần tôi kể tiếp rằng xe Hyundai/Kia cũng đã từng bị cho là copy nguyên trạng xe châu Âu, hay thậm chí xe chở tổng thống Putin nhìn chẳng khác gì 1 chiếc Rolls-Royce Phantom phiên bản lỗi không? Vì vậy, tôi xin phép dừng việc tìm hiểu xem chi tiết nào của BAIC Q7 sao chép từ xe nào và tập trung vào câu hỏi trọng tâm: trong tầm giá lăn bánh 700 triệu đến 1 tỷ đồng, BAIC Q7 có gì, và những mẫu xe khác có gì? (Kona và HR-V bản cao cấp nhất). Tôi cũng sẽ so sánh 1 số chi tiết của Q7 với Zotye Z8. Cũng xin nhắc lại: tiêu chí chọn đối thủ ở đây là giá lăn bánh – so sánh BAIC Q7 với Honda CR-V hay Hyundai Tucson là quá khập khiễng.
Về kích thước tổng thể, BAIC Q7 tất nhiên sẽ áp đảo những đối thủ nhỏ bé hơn. Ta đã thấy Honda HR-V lớn hơn Hyundai Kona qua bài đánh giá gần đây, nhưng BAIC Q7 dài hơn HR-V 321 mm, rộng hơn 83 mm, cao hơn 115 mm, có trục cơ sở dài hơn 60 mm, gầm cao hơn 45 mm. Đó là những lợi thế hiển nhiên của 1 chiếc xe lớn hơn nên tôi sẽ không cho điểm BAIC Q7.
Hệ thống đèn là chi tiết tiếp theo tôi so sánh. BAIC Q7 có cụm đèn phía trước nhìn khá xoàng xĩnh với thiết kế không được trau chuốt cẩn thận. Dù vậy, đèn chiếu gần vẫn là dạng xenon, đèn chiếu xa halogen và có đèn định vị LED. Nếu tôi là người đi mua xe, thiết kế cụm đèn của Q7 sẽ là điểm trừ, nhưng chí ít thì bóng đèn Xenon cũng có tính năng tự động cân bằng góc chiếu, tự động bật đèn khi đi vào vùng tối và có hệ thống rửa đèn. Dù vậy, cụm đèn của Hyundai Kona và Honda HR-V vẫn đẹp hơn và sáng hơn khi đi trời tối. Đèn phanh của BAIC Q7 cũng khá đẹp mắt nhưng lại 1 lần nữa, tôi thấy ưng ý với thiết kế đèn của bộ đôi đang khuynh đảo phân khúc CUV độ thị kia hơn. BAIC Q7 0 điểm, Kona 1 điểm, HR-V 1 điểm.
Bước vào khoang nội thất, chúng ta sẽ so sánh những gì? Đầu tiên là vô lăng, thứ luôn ở trước mặt người lái. Vô lăng của Hyundai Kona bọc da mềm hơn HR-V và BAIC Q7 được bọc da có độ mềm tương đương Kona. Điều khác biệt là phần da bọc 2 bên vô lăng Q7 được đột lỗ thông hơi. Đây là chỗ tay chúng ta hay tiếp xúc nhất – tôi là 1 người dễ ra mồ hôi tay nên tôi thích cảm giác cầm vô lăng BAIC Q7 hơn.
Phía sau vô lăng là bảng đồng hồ. Hyundai Kona và Honda HR-V có đồng hồ cơ truyền thống kết hợp với màn hình LCD ở giữa, trong khi BAIC Q7 có bảng đồng hồ LCD toàn phần. Bảng đồng hồ này cung cấp đầy đủ thông tin 1 cách trực quan, dù hơi nhợt nhạt và kém độ phân giải khi so với bảng đồng hồ của Zotye Z8. Tuy nhiên, Z8 copy hàng loạt giao diện của những hãng nổi tiếng, trong khi giao diện của BAIC Q7 là của riêng nó.
Màn hình giải trí trung tâm cũng là 1 điểm khác biệt lớn giữa những chiếc xe được so sánh. Honda HR-V có màn hình cảm ứng 6,8 inch khá lỗi thời và chậm chạp, màn hình của Hyundai Kona tốt hơn với kích thước 8 inch và có hỗ trợ kết nối Apple CarPlay. Tất nhiên, chừng đó là chưa đủ để “đọ” lại màn hình có kích thước lên tới 12 inch của BAIC Q7. Màn hình trung tâm của Q7 chạy hệ điều hành Android với giao diện dạng thẻ xếp chồng giống như giao diện xe Volvo đời mới. Nói 1 cách ngắn gọn: nó nhạy hơn, mượt hơn, sáng hơn, độ phân giải cao hơn so với màn hình HR-V và Hyundai Kona, và cũng “xịn” hơn màn hình Zotye Z8.
Điểm tiếp theo là vật liệu bọc táp lô, táp pi và ghế ngồi. Đây tiếp tục là 1 bài so sánh mà BAIC Q7 “ăn đứt” 2 đối thủ Nhật và Hàn. Nội thất xe được bọc da 2 màu nâu - đen tương phản và chất lượng da tốt hơn so với Kona và HR-V. Điều đáng nói là những phần da nâu ở táp lô và táp pi là 1-loại-vật-liệu-giống-da chứ không phải là nhựa mềm trên HR-V và nhựa cứng trên HR-V. Hãy nhìn hình ảnh này:
Đây là 1 hình ảnh rất thú vị! Ta có thể chê rằng chất lượng gia công của BAIC Q7 là rất xoàng xĩnh thì tấm da nhân tạo mới bị nếp nhăn như thế này. Nhưng! Đó cũng là dấu hiệu cho thấy vật liệu bọc táp lô Q7 xịn hơn so với 2 đối thủ. Nếu trực tiếp sờ và cảm nhận thì ta sẽ thấy lớp “da” này mềm hơn nhiều so với nhựa bọc trên Kona hay HR-V. Phần táp pi cửa cũng vậy: mềm hơn, đẹp hơn. Tuy nhiên, những nút đóng, mở cửa kính của BAIC Q7 ở bên thành cửa lại vô cùng phi logic! Thông thường, ta sẽ gạt nút lên để kéo kính lên, ngược lại, gạt nút xuống để hạ kính theo đúng hướng di chuyển của ngón tay. 96,69% xe hơi trên thế giới đều như vậy, nhưng BAIC Q7 thì ngược lại: gạt nút lên thì kính hạ, gạt nút xuống thì kính lên. Đây là 1 thiết kế thực sự gây phiên toái mỗi lần bạn lái chiếc BAIC Q7.
Dù vậy, những chiếc ghế ngồi của BAIC Q7 vừa đẹp hơn, ôm người hơn, êm hơn và rộng hơn so với ghế của 2 đối thủ. Vai ghế dày dặn, đệm hông cũng rất dày và êm ái, lưng ghế và mặt ghế được đột lỗ thông khí nhìn rất “tử tế”. Chưa hết, tựa tay trung tâm lớn hơn nhiều so với HR-V hay Kona, đi kèm 1 hộc chứa đồ bên dưới cũng rộng hơn. Vẫn chưa hết! Ghế trước của BAIC Q7 có cả tính năng sưởi ấm và làm mát! Về phần ghế ngồi và vật liệu bọc táp lô, táp pi thì tôi mạnh dạn khẳng định rằng BAIC Q7 “ăn đứt” Hyundai Kona và Honda HR-V.
Vậy còn về đồ chơi, trang bị trên xe BAIC Q7 thì sao? Thứ đồ chơi đầu tiên tôi đã kể ở trên (sưởi ấm, làm mát ghế) – đây là thứ bạn còn phải mất tiền để có trên các mẫu xe sang. Tiếp theo là camera toàn cảnh (camera 360). Đây là thứ tôi rất ưng trên BAIC Q7 vì nó khá nét và cung cấp đồng thời nhiều góc nhìn, rất tiện dụng. Có thể thấy, BAIC Q7 đã tận dụng rất tốt lợi thế màn hình to để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người lái: ta vừa có góc nhìn trên cao toàn cảnh, vừa có góc camera trước đầu xe, vừa có góc 1 nửa thân xe cùng hiển thị một lúc. Thực tế mà nói, kiểu hiển thị này “khôn” hơn khả kiểu camera 360 của chiếc Range Rover thật! Kết hợp với cảm biến va chạm trước sau, chiếc BAIC Q7 rõ ràng cho trải nghiệm tiện nghi hơn so với chỉ 1 camera lùi của HR-V hay Kona.
Những trang bị tiện nghi và các thiết kế nhỏ khác của BAIC Q7 cũng xứng đáng được liệt kê: nút bấm đề máy được làm rất đẹp, các cửa gió điều hòa có thiết kế riêng, bảng điều khiển trung tâm hình bàn phím điện thoại Vertu giống Porsche với rất nhiều nút, trong đó có nút phanh tay điện tử, kích hoạt hệ thống tạm dừng động cơ khi đèn đỏ, rồi cụm núm xoay của hệ thống thông tin giải trí có thiết kế đẹp chắng kém Audi. Ta còn có gương chiếu hậu trung tâm chống chói tự động, cửa sổ trời panora ma, đèn LED viền trang trí nội thất, cốp điện có đóng/mở bằng 1 cái gạt chân v.v.. Thực sự, nếu tạm bỏ qua yếu tố thương hiệu thì BAIC Q7 là 1 chiếc xe mang lại rất nhiều giá trị với mức giá lăn bánh 690 triệu. BAIC Q7 1 điểm, Kona 1 điểm, HR-V 1 điểm.
Vậy còn trang bị an toàn thì sao? Tôi sẽ dùng hình ảnh này:
Vậy đấy, khá đầy đủ những hệ thống an toàn cần thiết, đúng không? Nếu thực sự kỹ tính thì bạn sẽ thấy thiếu Hỗ trợ đổ đèo và nếu kỹ tính vô cùng thì bạn sẽ thấy thiếu Hệ thống cả báo và tự động phanh nếu có vật cản phía trước (PRE-SAFE PLUS của Mercedes-Benz hay City Safety của Volvo). Tuy nhiên, nói một cách công bằng thì những chiếc HR-V và Kona ở Việt Nam cũng không có hệ thống cảnh báo và tự động phanh.
Nhiều người băn khoăn rằng liệu các hệ thống an toàn chủ động, bị động trên xe Trung Quốc có hoạt động đúng như thiết kế hay không. Đó là sự e ngại mà tôi hoàn toàn thấu hiểu. Tất nhiên, tôi không thể … đâm thử chiếc BAIC Q7 này để chứng minh sự an toàn của nó. BAIC Q7 cũng đã đạt 5 sao China-NCAP (theo công bố của nhà sản xuất), dù theo kinh nghiệm của tôi, cái gọi là C-NCAP này cũng không đáng tin cho lắm.
Có 1 điều thú vị là gần đây, 1 vụ tai nạn có liên quan đến 1 chiếc xe Trung Quốc khác (Zotye Z8) đã xảy ra. Chiếc xe bị hư hại nặng nhưng điều quan trọng là 2 người ngồi trong xe không bị thương nặng, chỉ xây xát 1 chút vì mảnh kính vỡ. Nhiều người đã nhận xét rằng xe “đâm nhẹ mà đã nát” nhưng nếu như lời người lái rằng “xe đang chạy ở tốc độ rất cao thì đâm đổ 1 cây nhỏ, dừng lại khi va vào cây lớn” là đúng, thì xe dù cứng như thế nào thì cũng sẽ nát thôi. Điều quan trọng là sau tai nạn, 2 hành khách trong xe vẫn bình an vô sự. Tôi cũng không thể so sánh xem khung gầm của Zotye Z8 hay BAIC cứng hơn, nhưng ít nhất thì ta cũng thấy xe Trung Quốc khi gặp tai nạn thì như thế nào. Thêm nữa, Zotye chỉ là 1 hãng xe mới nổi, không thể so sánh với tập đoàn BAIC Group.
Trải nghiệm
BAIC Q7 sở hữu động cơ Mitsubishi có tên mã 4A91t, thuộc dòng động cơ 4A9 của Mitsubishi – nghe thấy động cơ Nhật là bạn đã thấy có cảm tình hơn rồi, đúng không? Dòng động cơ này được nguyên cứu và phát triển đồng thời bởi Mitsubishi và DailmerChrysler và sản xuất bởi công ty MDC Power tại Đức (ồ!). Mọi biến thể của dòng 4A9 đều có lốc máy, thân máy bằng hợp kim nhôm và có hệ thống biến thiên thời điểm mở van nạp MIVEC.
Tôi sẽ đưa ra 1 sự so sánh thú vị: động cơ của Mitsubishi Xpander chính là dòng 4A91 này với cấu hình - dung tích xy lanh 1.5L, nạp khí tự nhiên, cho công suất tối đa 104 mã lực và 141 Nm. BAIC Q7 sử dụng chính động cơ này, 4A91t, nhưng đã được bổ sung thêm hệ thống tăng áp để đạt công suất tối đa 150 mã lực và lực mô-men xoắn cực đại 210 Nm. Như vậy, động cơ của BAIC Q7 còn “xịn” hơn cả Xpander! Tất nhiên, dù sao thì vẫn sẽ có những người thích động cơ nạp khí tự nhiên vì lo ngại về độ bền của động cơ tăng áp. Nhưng công nghệ luôn phát triển từng ngày, động cơ của BAIC Q7 và Xpander có chung 1 “huyết thống”, cùng được nghiên cứu bởi người Nhật – Đức – Mỹ, cùng được sản xuất tại cùng 1 nhà máy ở Đức. Có lẽ ta không có nhiều lý do để nghi ngờ về chất lượng của động cơ BAIC Q7.
So sánh với HR-V, có thể thấy Honda HR-V ghi điểm bằng khối động cơ R18Z9 141 mã lực, 172 Nm cùng chung họ R18 với động cơ R18Z4 của Honda Civic thế hệ thứ 9, chỉ khác biệt 1 chút về tỷ số nén. Dòng động cơ R18 luôn được đánh giá cao về độ bền bỉ đáng tin cậy - đó là điều tạo ra danh tiếng của Honda. Tuy nhiên, công nghệ tăng áp vẫn khiến BAIC Q7 nhỉnh hơn về mặt công suất.
Thực tế mà nói, trong 3 chiếc xe này, tôi vẫn thích động cơ 1.6L tăng áp của Hyundai Kona nhất. Khối động cơ 1.6 Gamma T-GDI có tên mã G4FJ của Kona có dung tích chỉ hơn BAIC Q7 đúng 100 phân khối (bằng động cơ 1 chiếc Honda Wave Alpha!), nhưng có công suất vượt trội: 177 mã lực, 265 Nm. Đây mới là khối động cơ “hi-tech” nhất trong phân khúc và bạn đừng lo về độ bền của khối động cơ tăng áp này vì G4FJ còn có 1 phiên bản mạnh mẽ hơn với 204 mã lực trên chiếc Hyundai Elantra Sport. Hyundai cũng thường xuyên lọt top hãng xe đáng tin cậy nhất theo kết quả khảo sát người dùng của JD Power.
Còn về hộp số thì sao? Cả BAIC Q7 đều sử dụng hộp số CVT, với chiếc BAIC Q7 được quảng cáo là sử dụng hộp số CVT nhập khẩu từ Bỉ. Trải nghiệm thực tế cho thấy hộp số của Honda HR-V vẫn “khôn” hơn một chút, nó biến thiên tỷ số truyền hiệu quả hơn, hiểu đúng ý người lái hơn. Tuy nhiên, nếu như bạn thích cảm giác lái năng động thì rõ ràng hộp số ly hợp kép 7 cấp của Hyundai Kona vẫn vượt trội so với phần còn lại.
Hệ thống trợ lực điện của BAIC Q7 được sản xuất bởi ThyssenKrupp đến từ Đức có tính năng biến thiên theo tốc độ. Tuy nhiên, trải nghiệm của tôi cho thấy vô lăng vẫn truyền khá nhiều rung động lên đôi tay mình và giữa 3 xe, Honda HR-V cho cảm giác vô lăng vừa chân thực, vừa êm ái nhất.
Xe được lắp ráp trên khung gầm GM2900 do General Motors phát triển cho các mẫu SABB 9-3 và như đã nhắc ở trên, BAIC mua quyền sử dụng khung gầm này cho xe BAIC và Changhe. Hệ thống treo của BAIC Q7 được thiết kế bởi Horiba Mira, một tập đoàn cơ khí đến từ Anh. Tôi rất bất ngờ khi thấy BAIC Q7 được trang bị hệ thống treo sau độc lập đa điểm – 1 “của hiếm” trong phân khúc! Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế với chiếc BAIC Q7 trên đường thẳng vẫn kém bộ đôi kia 1 chút, bù lại thì khi vào cua, chiếc BAIC Q7 bớt lắc ngang hơn HR-V và Kona.
Khi qua gờ giảm tốc cỡ lớn, xung động dội vào cabin chiếc Q7 tương đối nhiều, có lẽ vì bộ la-zăng 18 inch đi kèm lốp Cooper 225/55 R18. Cooper là hãng sản xuất lốp Mỹ nhưng có nhà máy sản xuất tại Côn Sơn và Thanh Đảo, Trung Quốc, tôi cho rằng chiếc BAIC Q7 sở hữu lốp sản xuất nội địa. Bộ lốp này có độ bền vân lốp (treadwear) lên tới 440 điểm, trong khi đa phần những loại lốp all-season chỉ có độ bền khoảng 300.
Kết luận
Vậy tựu chung lại, chiếc xe Trung Quốc BAIC Q7 có xứng đáng để bạn để tâm không? Nếu so sánh với những đối thủ cùng – và vượt tầm giá, BAIC Q7 là một chiếc xe CUV 5 chỗ rất đáng thử qua ít nhất là 1 lần, cho dù bạn yêu hay ghét xe Trung Quốc. Tất nhiên, 1 điều hoàn toàn đúng là nếu chọn xe Trung Quốc, bạn phải đối mặt với ánh mắt phán xét của những người đi đường, phải chấp nhận lỗ nhiều nếu bán lại xe. Một nhược điểm lớn nữa của xe Trung Quốc là ít điểm bảo dưỡng, sửa chữa, trong khi những đại lý xe Nhật, xe Hàn đã tràn ngập khắp dải đất hình chữ S.
Nếu phải cân nhắc giữa những lựa chọn trên, tôi sẽ chọn Hyundai Kona vì nó thỏa mãn những tiêu chí của tôi: cảm giác lái, động cơ, hộp số, thiết kế v.v.. Nhưng tôi sẽ không cảm thấy khó hiểu khi vẫn có người chọn BAIC Q7 vì những giá trị nó mang lại. Liệu BAIC Q7 có tiếp bước thành công của đồng hương Zotye Z8 hay không? Thời gian sẽ trả lời. Gioithieuxe.vn chúc quý khách hàng sẽ có những trải nghiệm thú vị trước khi quyết định mua xe.