Chính thức giảm 50% phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Phí trước bạ với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước chính thức giảm một nửa tới hết năm 2020, theo Nghị quyết của Chính phủ.

>> Xem thêm: MỨC GIẢM GIÁ TRƯỚC BẠ CỤ THỂ CHO 34 MẪU XE LẮP GIÁP TRONG NƯỚC, MỨC GIẢM TỪ 15 TRIỆU ĐẾN GẦN 300 TRIỆU

Ngày 29/5, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 84 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh Covid-19. Theo đó, lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% tới hết năm 2020, nhằm kích cầu tiêu dùng mặt hàng này sau Covid-19.

Cùng đó, các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước phát sinh từ tháng 3 cũng được gia hạn nộp thuế đến hết năm 2020. Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi quy định thuế tiêu thụ đặc biệt hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước.

Việc giảm phí trước bạ không giúp giảm giá xe nhưng sẽ giảm các chi phí để xe lăn bánh. Hiện lệ phí trước bạ dao động theo khung 10-15% tuỳ điạ phương.

Nghị quyết của Chính phủ có hiệu lực ngay từ ngày ký.

nha_may_o_to

 

Đề xuất giảm 50% phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước được Bộ Công Thương đưa ra hồi tháng 4 khi tiêu thụ ôtô giảm mạnh, tới 40% trong 4 tháng đầu năm nay do Covid-19. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) dự báo tăng trưởng cả năm 2020 của ngành ôtô trong nước có thể giảm hơn 15% so với tính toán ban đầu.

Ngoài các chính sách kích cầu thị trường ôtô trong nước, Nghị quyết 84 của Chính phủ còn đưa ra loạt giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn khác. Cụ thể, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp năm 2020 với doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang thuê đất trực tiếp từ Nhà nước, nhưng phải ngừng kinh doanh do ảnh hưởng bởi Covid-19. 

Trong lĩnh vực thanh toán tiền tệ, Thủ tướng đồng ý cấp phép thí điểm việc phê duyệt triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hoá, dịch vụ giá trị nhỏ (Mobile money). 

Với ngành hàng không, các doanh nghiệp hàng không được miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, còn dư nợ đến 31/12/2019; giảm 50% giá cất, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến với các chuyến bay nội địa trong 6 tháng (tháng 3-9). Ngoài ra, các dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước quy định khung giá sẽ áp dụng giá 0 đồng đến hết tháng 9. 

Doanh nghiệp được phép hạch toán khoản đóng góp, ủng hộ phòng, chống Covid-19 vào chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được giảm 2% lãi suất vay từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Cũng tại Nghị định này, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương cắt giảm 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước (trừ Bộ Công an, Quốc phòng, Y tế, kinh phí tổ chức các chương trình thực hiện năm Chủ tịch ASEAN 2020) và tiết kiệm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, nhất là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết. 

Ngoài các chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Chính phủ cũng trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đến hết năm 2020; miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với doanh nghiệp trong năm 2020; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của doanh nghiệp siêu nhỏ...